Chuyên bán sỉ và lẻ bao da chính hãng, giá tốt nhất
Wednesday, December 17, 2014

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ: Nguy cơ cần được quan tâm

Đái tháo đường thai kỳ có phổ biến không?
Thai kỳ là một tình trạng sinh lý đặc biệt làm gia tăng tình trạng kháng Insulin (có thể lên đến 40-70% vào 3 tháng cuối thai kỳ). Ở một số thai phụ, tình trạng kháng Insulin này xảy ra kèm với những tổn thương và suy yếu chức năng hoạt động của các tế bào tuyến tụy, từ đó dẫn đến bệnh lý đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK)

ĐTĐTK được định nghĩa là ĐTĐ phát hiện lần đầu trong thai kỳ, bao gồm cả ĐTĐ từ trước khi mang thai nhưng không phát hiện ra và ĐTĐ xuất hiện trong lúc mang thai. Tại các BV chuyên khoa của TP HCM, tỉ lệ ĐTĐTK gia tăng từ 2,1% vào năm 1997, 4% vào năm 2007 và lên đến 11% vào năm 2008; trong khi tỉ lệ này vào khoảng 5,7% tại Hà Nội vào năm 2004.
Những ai dễ bị ĐTĐTK?
Trong thực tế có những thai phụ dễ bị ĐTĐTK hơn những người khác (còn được gọi là nhóm thai phụ nguy cơ cao). Tại các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ, Anh quốc, Úc, Pháp…, những thai phụ gốc Châu Á (đặc biệt là Nam Á) đều được xếp vào nhóm thai phụ nguy cơ bị ĐTĐTK cao. Trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, thai phụ có nguy cơ bị ĐTĐTK cao là những người có ba mẹ hoặc anh chị em ruột đã từng bị ĐTĐ, đã từng bị những tai biến lúc mang thai (như sẩy thai nhiều lần, thai chết lưu trong bụng hay bé mất sau sanh), đã từng bị ĐTĐTK, đã từng sanh con to (từ 3.800g trở lên dựa vào số liệu sanh tại TP HCM năm 2009-2010) và béo phì.
ĐTĐTK nguy hiểm như thế nào?
ĐTĐTK, đặc biệt là ĐTĐ có từ trước khi mang thai nhưng chưa được phát hiện và điều trị đưa đến nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé, bao gồm cả làm gia tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh. Nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận tần suất thai nhi bị dị tật bẩm sinh trong số những thai phụ có đường huyết cao trong giai đoạn tạo cơ quan của phôi thai trong thời gian từ 5-8 tuần sau kỳ kinh cuối (thường gặp ở thai phụ ĐTĐ từ trước mang thai nhưng không được phát hiện và điều trị), cao gấp 6-8 lần thai nhi của những thai phụ có đường huyết bình thường.
Những nghiên cứu thực nghiệm trên thú vật và nghiên cứu quan sát trên người gần đây ghi nhận chính quá trình tiếp xúc liên tục với lượng đường máu cao trong thời gian lâu dài làm thay đổi quá trình phát triển của thai nhi, làm tăng nguy cơ của những biến chứng thai kỳ, và dẫn đến những di chứng lâu dài cho cả mẹ và bé (Bảng 1). Tần suất thai nhi chết lưu trong bụng hay chết ngay sau sanh của các trường hợp ĐTĐTK không điều trị ổn định cao gấp 2-4 lần các thai phụ bình thường. Đặc biệt hiện tượng “lập trình trước trong tử cung” (“fetal programming in utero”) ngay từ trong giai đoạn bào thai của bé có mẹ bị ĐTĐTK không được điều trị là tiền đề gây ra những bệnh lý chuyển hóa (như cao huyết áp, ĐTĐ, béo phì…) khi bé ở tuổi thiếu niên hoặc thanh niên.
Bảng 1: Những nguy cơ của ĐTĐTK
Cho Mẹ
Cho Thai
Cho bé sơ sinh
Cho bé lớn/ trưởng thành
Tăng các biến chứng thai kỳ như cao huyết áp, tiền sản giật (nhiễm độc thai), sản giật
Dị tật bẩm sinh (ĐTĐ trước thai kỳ)
Sang chấn khi sanh
Béo phì
Sanh khó, dễ bị sang chấn khi sanh
Sẩy thai, sanh non
Suy hô hấp (thở yếu)
Cao huyết áp
Tăng nguy cơ sanh mổ
Thai chết lưu
Rối loạn chuyển hóa (hạ đường huyết, hạ calci máu…)
Đái tháo đường
Rối loạn đường máu, nặng có thể đưa đến hôn mê
Rối loạn phát triển (thai quá to hoặc quá nhỏ)
Vàng da
Đái tháo đường sau sanh
Sang chấn khi sanh
Bệnh cơ tim
Những biến chứng lâu dài (mắt, thận, tim, mạch máu, thần kinh…)
Làm thế nào để hạn chế biến chứng của ĐTĐTK?
Phát hiện sớm và điều trị ổn định đường huyết từ trước khi mang thai và trong thai kỳ là biện pháp tốt nhất để hạn chế tối đa những biến chứng có thể có của ĐTĐTK.
Khám sức khỏe tổng quát để phát hiện ĐTĐ trước khi quyết định mang thai
Việt Nam là một quốc gia có tỉ lệ ĐTĐ cao. Nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Tuấn và BS Tạ Thị Tuyết Mai (xuất bản tháng 6/2010) ghi nhận có đến hơn 50% phụ nữ hơn 30 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh tại TPHCM có những biểu hiện của rối loạn dung nạp đường qua xét nghiệm. Nghiêm trọng hơn, nghiên cứu này phát hiện có đến 12% phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh và không hề có triệu chứng tại TP HCM chỉ được tình cờ phát hiện ĐTĐ thật sự (ĐTĐ type 2) sau khi được làm xét nghiệm dung nạp đường. Do vậy, những chị đang có kế hoạch có thai, đặc biệt nếu có những yếu tố nguy cơ cao, cần được khám sức khỏe tổng quát, trong đó cần làm các xét nghiệm để tìm bệnh ĐTĐ. Nếu phát hiện bị bệnh ĐTĐ những chị này cần được bác sĩ điều trị ổn định ĐH trước khi quyết định mang thai.
Làm xét nghiệm dung nạp đường để chẩn đoán sớm ĐTĐTK
Mang thai là một “cơ hội vàng” để phát hiện và điều trị bệnh ĐTĐ, đặc biệt là cho những cộng đồng có tỉ lệ ĐTĐ cao như cộng đồng thai phụ Việt Nam. Dựa vào những chứng cứ từ kết quả của những nghiên cứu được công bố gần đây,tất cả thai phụ Việt Nam đều cần được làm xét nghiệm phát hiện ĐTĐ. Xét nghiệm này (được gọi là xét nghiệm dung nạp đường) được thực hiện ngay sau lần khám thai đầu tiên cho những thai phụ nguy cơ cao hoặc ở thời điểm thai được 28 tuần cho tất cả các thai phụ còn lại (bao gồm cả những trường hợp nguy cơ cao đã thử XN lần đầu nhưng chưa phát hiện được). Thời điểm 28 tuần là thời điểm tình trạng kháng Insulin trong cơ thể thai phụ mạnh nhất và do vậy dễ phát hiện ĐTĐTK nhất. Nhiều bằng chứng khoa học đã khẳng định hiệu quả của điều trị kịp thời ĐTĐTK trong đó những nguy hiểm của cả mẹ và bé sẽ được giảm thiểu rất đáng kể.
Làm xét nghiệm để phát hiện ĐTĐ (còn tồn tại) sau khi sanh
Khoảng 20-60% ĐTĐTK sẽ phát triển thành ĐTĐ thật sự sau khi sanh. Để kịp thời điều trị nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm lên các cơ quan như mắt, thần kinh, tim mạch…, các chị cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm phát hiện ĐTĐ trong khoảng thời gian từ 6 tuần đến 6 tháng sau khi sanh.
Điều trị ĐTĐTK như thế nào?
Mục tiêu của điều trị ĐTĐTK là vừa ổn định ĐH vừa đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho sự phát triển của thai phụ và thai nhi. Thai phụ ĐTĐTK được bắt đầu điều trị bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp, và bằng thuốc, trong đó điều trị ĐTĐTK bằng thuốc chỉ thực hiện cho khoảng 10-15% trường hợp không đáp ứng với điều trị bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện. Để đạt hiệu quả tốt nhất, các chị bị ĐTĐTK cần kiên nhẫn, chú ý tìm hiểu về bệnh lý của mình cũng như hợp tác tốt với phương thức điều trị của bác sĩ. Những nguyên tắc chính của chế độ dinh dưỡng được trình bày chi tiết trong Bảng 2. Song song với chế độ dinh dưỡng, thai phụ ĐTĐTK cần có chế độ vận động và tập luyện thể lực phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Chế độ tập luyện cần gia tăng từ từ và tập trung chủ yếu vào tập luyện nhóm cơ vùng vai và lưng (tránh tập cơ vùng bụng).
Để đánh giá và điều chỉnh chế độ điều trị cho phù hợp, các chị bị ĐTĐTK sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi lượng đường trong máu. Phương thức và tần số (bao nhiêu lần mỗi ngày, và bao nhiêu ngày mỗi tuần) theo dõi tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý ĐTĐTK. Bên cạnh theo dõi đường huyết, các chị cần theo đúng lịch khám thai mà bác sĩ đề nghị (có thể phải khám thai nhiều lần hơn), cũng như chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của thai nhi thông qua những biện pháp như đếm cử động thai để kịp thời thông bác cho bác sĩ những diễn tiến bất lợi.
Bảng 2: Nguyên tắc điều trị bằng chế độ dinh dưỡng
·          Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ để tránh tăng lượng đường trong máu quá mức sau khi ăn và hạ đường máu khi xa bữa ăn.
·          Nên ăn đều đặn các bữa. Không bao giờ bỏ bữa ăn ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi không muốn ăn.
·          Nên dùng những thức ăn có chỉ số đường thấp (gạo, đậu đỗ, rau xanh, trái cây ít ngọt, thức ăn chế biến thô) và loại có nhiều chất xơ
·          Tránh ăn đường và thức ăn có nhiều đường (bánh ngọt, bánh quy, kẹo, kem,..)
ĐTĐTK ngày càng gia tăng tại Việt Nam và có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cần thực hiện các xét nghiệm phát hiện ĐTĐ trước, trong và sau khi mang thai. Tất cả thai phụ cần được làm xét nghiệm để kịp thời phát hiện ĐTĐTK trong đó nhóm nguy cơ cao cần được thực hiện càng sớm càng tốt trong thai kỳ. Khi phát hiện ĐTĐTK thai phụ sẽ được điều trị bằng những biện pháp phù hợp với nguyên cắc chính là vừa ổn định lượng đường máu (để giảm các biến chứng thai kỳ) và vừa cung cấp đủ năng lượng cho bé phát triển. Chỉ có 10-15% thai phụ ĐTĐTK cần sử dụng thuốc, trong khi đa số được điều trị bằng chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp.
TSBS Trần Sơn Thạch (BV Hùng Vương)

0 comments:

Post a Comment

Copyright © 2012 Mang Thai - Mang Bầu - Sức Khỏe Sinh Sản All Right Reserved

ĐT: 0935.761.797 (Mr.Phúc) hoặc ĐT: 0949 2546 22 (Ms. Kiều); Email: technologyjobjob@gmail.com