Sự phát triển của thai nhi qua những tuần tuổi quan trọng
Trứng của phụ nữ thường được thụ tinh với tinh trùng ở trong ống dẫn trứng. Sau khi thụ tinh, trứng phân chia và nhân lên để tạo thành phôi. Trong vài ngày sau đó, phôi thai di chuyển qua ống dẫn trứng vào niêm mạc tử cung, bám vào thành tử cung và bắt đầu phát triển.
Sự thụ thai
Sự thụ tinh xảy ra khi tinh trùng gặp và thâm nhập vào trứng, thường được chúng ta quen gọi là “sự thụ tinh” đấy các mẹ ạ. Vào khoảnh khắc này, cấu tạo di truyền học đã hoàn thành, bao gồm cả giới tính của thai nhi. Khoảng ba ngày sau khi thụ thai, trứng đã thụ tinh sẽ phân chia rất nhanh thành nhiều tế bào. Nó đi qua ống dẫn trứng vào dạ con, “gắn” vào thành tử cung. Nhau thai sẽ bắt đầu hình thành, đây là nơi sẽ nuôi dưỡng thai nhi.
Sự phát triển của thai nhi 4 tuần tuổi
Ở thời điểm này thai nhi đang phát triển các cấu trúc mà từ đó sẽ hình thành nên hình hài cho khuôn mặt và cổ. Tim và các mạch máu vẫn tiếp tục phát triển. Còn phổi, dạ dày và gan chỉ mới bắt đầu phát triển. Khi này, nếu bạn làm xét nghiệm thử thai tại nhà sẽ thấy “hai gạch đỏ”.
Sự phát triển của thai 8 tuần tuổi
Thai nhi 8 tuần tuổi lúc này chỉ khoảng 1,5 cm. Nhỏ xíu phải không các mẹ? Mí mắt và đôi tai thai nhi đang thành hình, và bạn đã có thể trông thấy đầu mũi thai nhi rồi đấy nhé. Đôi tay và chân cũng được hình thành, trong đó các ngón tay và chân phát triển dài và dễ thấy rõ hơn.
Sự phát triển của thai 12 tuần tuổi
Thai nhi 12 tuần dài khoảng 5 cm và bắt đầu biết cử động. Bạn có thể bắt đầu cảm nhận được đầu tử cung ở trên xương mu của bạn. Bác sĩ cũng có thể nghe được tim thai bằng những trang thiết bị đặc biệt. Các cơ quan giới tính của thai nhi lúc này bắt đầu trở nên rõ hơn.
Sự phát triển ở 16 tuần tuổi
Thai nhi lúc này dài khoảng 11 đến 11,5 cm và nặng gần 100 gram. Khi này bạn đã có thể bắt đầu cảm thấy đầu tử cung bên dưới rốn khoảng 4,5 cm. Mắt bé đã có thể chớp và tim cùng với các mạch máu đã hoàn toàn định hình. Các ngón tay và ngón chân của bé cũng đã có vân (tay).
Sự phát triển ở 20 tuần tuổi
Thai nhi bắt đầu nặng gần 300 gram và dài hơn 15 cm. Bắt đầu lớn rồi nha! Tử cung của bạn lúc này có thể ở ngang vị trí với rốn. Thai nhi khi này có thể mút ngón tay, ngáp, duỗi và làm các khuôn mặt khác nhau. Và sớm thôi, nếu bạn chưa thấy, thì bạn sẽ bắt đầu thấy bé cử động mà chúng ta vẫn thường gọi là “bé lại đạp bụng mẹ rồi”.
Thời điểm đi chụp siêu âm
Siêu âm thường được thực hiện với tất cả phụ nữ mang thai được 20 tuần. Trong lần siêu âm này, bác sĩ sẽ bảo đảm nhau thai khỏe mạnh và được gắn kết bình thường, và như thế cũng có nghĩa là bé của bạn đang phát triển bình thường. Bạn có thể thấy tim thai và cử động cơ thể, tay và chân của bé trên hình ảnh siêu âm nữa đó. Thường thì trong thời điểm này bạn cũng sẽ biết được đó là một bé trai hay bé gái. Hồi hộp quá!
Bên dưới là hình siêu âm ở thời điểm 20 tuần tuổi, hình nhỏ là siêu âm 2D, hình lớn là siêu âm 4D.
Sự phát triển của thai nhi ở 24 tuần tuổi
Thai nhi giờ đây đã nặng hơn 600 gram và phản hồi với các thanh âm bằng cử động hoặc tăng nhịp tim. Bạn có thể cảm thấy nghén khi bé nấc. Với tai trong đã phát triển đầy đủ, bé đã có thể cảm nhận được sự đảo ngược của bé bên trong dạ con rồi đó nha.
Sự phát triển ở 28 tuần tuổi
Thai nhi nặng khoảng hơn 1 kg và thay đổi vị trí thường xuyên vào thời điểm này. Nếu bạn phải sinh non vào lúc này, khả năng cao là bé sẽ sống sót. Hãy hỏi bác sĩ về các dấu hiệu cảnh báo sinh non. Đây là thời điểm để bạn đăng ký học các lớp sinh con. Các lớp này sẽ chuẩn bị cho bạn hành trang nhiều khía cạnh cho việc sinh bé, bao gồm cơn đau đẻ, sinh và chăm sóc thiên thần nhỏ của bạn.
Sự phát triển ở 32 tuần tuổi
Thai nhi nặng gần 2 kg và thường xuyên di chuyển xung quanh hơn. Da của em bé ít có nếp nhăn hơn do có một lớp chất béo bắt đầu hình thành dưới da. Giữa thời điểm bây giờ và đến khi sinh, thai nhi sẽ đạt được nửa trọng lượng khi sinh của mình. Đây là lúc bạn nên hỏi bác sĩ cách làm biểu đồ chuyển động của bào thai và đừng quên suy nghĩ về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Marry Baby không thể không nhắc lại điều này: sữa mẹ là tốt nhất cho con, bạn nha! Bạn có thể nhận thấy chất lỏng màu vàng rỉ ra từ vú. Đó chính là sữa non, và nó xuất hiện khi ngực của bạn đã sẵn sàng cho “công tác” sản xuất sữa nuôi bé. Hầu hết thai phụ đều đi khám bác sĩ mỗi hai tuần ở giai đoạn này của thai kỳ.
Sự phát triển của thai nhi ở 36 tuần tuổi
Sự khác biệt về kích cỡ của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như giới tính, số lượng các bé khi mang thai, và kích thước của cha mẹ. Chính vì vậy mà tỷ lệ tăng trưởng tổng thể của bé cũng quan trọng như kích thước thực tế. Trung bình, một em bé ở giai đoạn này “cao” khoảng 47 cm và nặng gần 2,7 ký. Não được phát triển rất nhanh. Phổi phát triển gần như đầy đủ. Lúc này đầu của thai nhi thường nằm ở vị trí xương chậu. Khi đã qua 37 tuần thì việc mang thai và các giai đoạn phát triển của thai nhi được coi là đã “đến hạn”.
Khai hoa nở nhụy!
Ngày dự sinh của người mẹ được ghi dấu vào ngày kết thúc tuần thứ 40. Ngày sinh được tính bằng cách sử dụng ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng của người mẹ. Dựa vào cách này này, thai kỳ có thể kéo dài giữa 38 và 42 tuần với ngày sinh “đáo hạn” khoảng 40 tuần.
Một số trường hợp có tình trạng thai phụ mang thai hơn 42 tuần nhưng không phải sinh trễ mà thật ra là do tính ngày dự sinh không chính xác. Vì lý do an toàn, hầu hết các bé được sinh khi đủ 42 tuần. Đôi khi cần thiết, bác sĩ có thể phải kích thích sinh cho bạn.
Để biết được sự phát triển chi tiết của con yêu qua từng tuần và chuẩn bị cho những thay đổi trong cuộc sống, mời bạn theo dõi thêm chuỗi bài viết về 40 tuần thai nhé.
0 comments:
Post a Comment